Tuổi trung niên là lứa tuổi từ 40 - 60 tuổi, ở lứa tuổi này người ta không còn được sung sức như thời trẻ nữa.
Một số các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến chế độ ăn uống như: béo phì, tiểu đường; các bệnh tim mạch: tăng huyết áp, cholesterol máu cao, xơ vữa động mạch dẫn đến nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não; bệnh gout, một số bệnh ung thư... đã bắt đầu xuất hiện và ngày càng tăng lên cùng với tuổi tác. Cho nên chế độ ăn uống hàng ngày đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn bớt sự xuất hiện các bệnh trên, hoặc đã mắc rồi thì cũng hạn chế được sự tiến triển của bệnh.
Các bệnh mạn tính không lây gặp nhiều hơn ở lứa tuổi đàn ông trung niên vì nó có liên quan nhiều đến rượu, bia, thuốc lá, do chế độ ăn có nhiều thức ăn nguồn gốc động vật, ăn ít rau xanh, quả chín và ăn mặn. Đặc biệt việc thường xuyên ăn nhậu ở nhà hàng, quán bia, liên hoan, tiệc tùng là những yếu tố nguy cơ thuận lợi cho các bệnh trên xuất hiện và tiến triển nặng thêm. Vậy ở lứa tuổi này nên ăn uổng thế nào cho đúng?
Những loại thực phẩm nên dùng
- Gạo và các loại lương thực khác: ngô, khoai củ và các sản phẩm chế biến từ những thực phẩm này. Mỗi ngày nên ăn khoảng 350 - 400g gạo. Nếu ăn khoai củ, hoặc bún, miến, phở thì ăn giảm gạo đi (100g gạo tương đương với : 300 - 400g khoai tây, khoai lang, khoai sọ, bún, bánh phở, tương tương với 10g miến khô và 80g mì tôm.)
- Chất đạm và chất béo:
+ Thịt: Không quá 200g/ngày, nếu bị cao huyết áp hoặc cholesterol máu cao thì không nên ăn thịt mỡ và da các loại thịt gia cầm.
+ Cá: nên ăn một tuần từ 2 - 3 bữa cá, mỗi bữa khoảng 100 - 150g.
+ Tôm, cua: nên ăn 2 - 3 lần /1 tuần, mỗi lần 50 – l00g.
+ Dầu (mỡ): 20 - 25g/ngày (lượng dầu mỡ để xào nấu thức ăn).
+ Đậu phụ: Ăn 2 - 3 lần /tuần, mỗi lần 150g.
+ Nên tập thói quen uống sữa hàng ngày: mỗi ngày từ 1 - 2 cốc, nên uống sữa đậu nành hoặc sữa bột tách béo nếu bị thừa cân, hoặc mỡ trong máu cao.
- Tăng cường ăn nhiều rau xanh và quả chín:
+ Rau: 400 - 500g/ngày, quả chín: 300 - 400g/ngày.
+ Nước uống: 1,5 - 2 lít/ ngày, nên uống nước trà xanh, nước quả, nước đun sôi, nước khoáng.
Những loại thực phẩm nên hạn chế
- Rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo, đường ngọt.
- Các loại phủ tạng: óc, tim, gan, bầu dục, lòng lợn (hạn chế các món ăn: cháo tim gan, bầu dục, lòng lợn, tiết canh, trứng chần cho vào phở, trứng vịt lộn...).
- Trứng: một tuần chỉ nên ăn 2 - 3 quả.
- Các loại thức ăn chế biến sẵn: xúc xích, lạp sườn, thịt hun khói.
- Các loại thức ăn xào rán nhiều dầu mỡ: chim quay, thịt rán, thịt quay... và các món xào nhiều mỡ (các món ăn này thường có trong các quán ăn nhà hàng, các bữa chiêu đãi liên hoan).
- Hạn chế ăn muối, nước mắm: lượng muối không nên ăn quá 6g/ngày.